Văn bản của Sở Y tế về tăng cường tạo miễn dịch cộng đồng và các giải pháp phòng bệnh Sởi cho trẻ thuộc nhóm nguy cơ

22/08/2024

Nga_content

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố, tính đến ngày 12 tháng 8 năm 2024, trên địa bàn Thành phố ghi nhận 346 ca dương tính với bệnh Sởi, trong đó có 03 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh Sởi. Qua thống kê, 78,4% là trẻ dưới 5 tuổi; 66% trẻ chưa tiêm chủng đầy đủ 02 mũi vắc xin phòng bệnh Sởi và 30% trẻ không rõ tiền sử tiêm chủng.

Ngày 09 tháng 8 năm 2024, Sở Y tế đã tổ chức buổi họp với các chuyên gia đầu ngành về nhi và nhiễm của Thành phố để thảo luận một số giải pháp chủ động bảo vệ trẻ thuộc nhóm nguy cơ hạn chế mắc bệnh Sởi.

Nhằm chủ động phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh Sởi tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bảo vệ trẻ thuộc nhóm nguy cơ hạn chế mắc bệnh Sởi và giảm nguy cơ tử vong do bệnh Sởi, Sở Y tế đề nghị thủ trưởng các đơn vị tiếp tục triển khai các nội dung tại Kế hoạch số 5338/KH-SYT ngày 12 tháng 6 năm 2024 của Sở Y tế về việc chủ động phòng chống bệnh Sởi của Ngành y tế Thành phố năm 2024, đặc biệt lưu ý các nhóm giải pháp quan trọng trong Phòng và kiểm soát bệnh Sởi như sau:

  1. Nhóm giải pháp tiêm bù, tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh Sởi
  • Trung tâm y tế tham mưu Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức tăng cường vận động phụ huynh đưa các trẻ trong độ tuổi tiêm chủng nhưng tiêm vắc xin phòng bệnh Sởi hoặc tiêm chưa đủ mũi đến các điểm tiêm trên địa bàn để được tiêm bù, bao gồm cả trường hợp trẻ mắc bệnh mạn tính mà không có chống chỉ định tiêm vắc xin. Để bảo đảm chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin đạt hiệu quả, các địa phương cần rà soát lập danh sách tất cả các trẻ từ 1 đến 5 tuổi hiện sinh sống trên địa bàn, chú ý các trẻ tại các mái ấm, cơ sở bảo trợ.
  • Các bệnh viện, phòng khám đa khoa, chuyên khoa khi thực hiện khám bệnh và điều trị cần khai thác tiền sử tiêm vắc xin phòng bệnh Sởi của trẻ, ghi chép vào hồ sơ bệnh án và tư vấn, hướng dẫn phụ huynh/người giám hộ đưa trẻ đến các cơ sở tiêm chủng để được tiêm tiêm bù, tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh Sởi.
  • Khuyến khích các bệnh viện tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh Sởi cho nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc người bệnh mắc Sởi.
  • Các bệnh viện thực hiện lập danh sách trẻ bị bệnh mạn tính, bệnh nền đang được bệnh viện quản lý và tư vấn tiêm chủng tại bệnh viện cho trẻ nếu đủ điều kiện.
  1. Nhóm giải pháp bảo vệ trẻ thuộc nhóm nguy cơ
  • Các cơ sở khám chữa bệnh cần tuân thủ nghiêm kiểm soát lây nhiễm trong cơ sở y tế. Triển khai khám sàng lọc, phân luồng cách ly các trường hợp sốt phát ban nghi Sởi ngay tại khoa khám bệnh, bố trí bàn khám riêng đối với các trường hợp này nhằm hạn chế lây nhiễm chéo cho người bệnh khác. Bố trí khu vực cách ly để điều trị người bệnh nghi/nhiễm Sởi tại các khoa truyền nhiễm. Trường hợp người bệnh mắc Sởi bắt buộc điều trị tại khoa lâm sàng khác, phải bố trí khu vực cách ly riêng biệt, không bố trí chung buồng bệnh với các trường hợp khác.
  • Nhân viên y tế, kể cả thân nhân người bệnh cần tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn như mang khẩu trang, vệ sinh tay khi chăm sóc các trẻ thuộc nhóm nguy cơ; khuyến khích tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh sởi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
  • Đối với các trường hợp trẻ thuộc nhóm nguy cơ bị phơi nhiễm Sởi trong thời gian nằm viện do có tiếp xúc với người mắc bệnh Sởi cần điều trị dự phòng sau phơi nhiễm ngay bằng Immune Globulin. Bên cạnh đó, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện phân tuyến điều trị và tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán và điều trị tại Quyết định số 1327/QĐ-SYT ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Bộ Y tế.

Sở Y tế đề nghị các đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện. Giao Phòng y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức triển khai nội dung văn bản đến tất cả các phòng khám đa khoa, chuyên khoa tư nhân trên địa bàn. Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn đề nghị đơn vị liên hệ Phòng Nghiệp vụ Y – Sở Y tế (điện thoại 028.39.330.775) để được hỗ trợ, giải quyết./.

Văn bản của Sở Y tế

Đánh giá bài viết
* Website cung cấp nội dung thông tin tham khảo, hiệu quả hỗ trợ điều trị phụ thuộc vào thể trạng từng người.
ll-ic1 fthot-dlic1 Đặt lịch