TP.HCM: Khóa đào tạo Dịch tễ học thực địa cơ bản đầu tiên được tổ chức cho tuyến y tế cơ sở

29/02/2024

Nga_content

Ngày 26/02/2024, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) đã phối hợp Viện Pasteur TP.HCM, văn phòng Chương trình đào tạo dịch tễ học thực địa (FETP) Việt Nam – Cục Y tế dự phòng, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (US.CDC) tổ chức khóa đào tạo “Dịch tễ học thực địa cơ bản” năm 2024.

 

Ảnh: Lễ khai giảng khóa đào tạo “Dịch tễ học thực địa cơ bản” năm 2024

 

Được biết, buổi Lễ khai giảng khóa đào tạo có sự tham dự của PGS.TS.BSCKII. Nguyễn Vũ Trung – Viện trưởng, Viện Pasteur TP.HCM, TS.BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, BS.CKII Nguyễn Hồng Tâm – Giám đốc HCDC, BS. Lindsay Kim – Giám đốc Chương trình An ninh Y tế toàn cầu, Văn phòng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ tại Hà Nội, cùng sự hiện diện của quý giảng viên và 24 học viên là các cán bộ y tế thực hiện nhiệm vụ giám sát, báo cáo và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm tại HCDC, các Trung tâm Y tế trên địa bàn Thành phố.

 

Giới thiệu về chương trình khóa đào tạo, PGS.TS.BSCKII. Nguyễn Vũ Trung – Viện trưởng, Viện Pasteur TP.HCM cho biết khóa dịch tễ học thực địa cơ bản đợt này cho tuyến y tế cơ sở tại TP.HCM (khóa SC23) sẽ được triển khai trong thời gian 12 tuần (bắt đầu từ tháng 02/2024 đến tháng 5/2024), gồm 3 hội thảo tập trung có tính tương tác cao xen kẽ 2 đợt thực địa. Nội dung đào tạo của khóa học bao gồm các kiến thức cơ bản về phương pháp giám sát, điều tra, phát hiện và ứng phó bệnh tật.

 

Theo đó, khóa học đã thu hút sự tham gia của 24 học viên ở TP.HCM bao gồm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM và các Trung tâm Y tế Quận. Các học viên là những cán bộ y tế trẻ, có trình độ chuyên môn cao, nhiệt huyết và có tinh thần học hỏi. Khóa SC23 sẽ cung cấp cho học viên những kiến thức và kỹ năng cần thiết để trở thành những chuyên gia dịch tễ học có năng lực và chuyên nghiệp.

 

Ảnh: PGS.TS.BSCKII. Nguyễn Vũ Trung – Viện trưởng, Viện Pasteur TP.HCM phát biểu tại khóa đào tạo

 

Tại buổi Lễ khai giảng, BS. Lindsay Kim – Giám đốc Chương trình An ninh Y tế toàn cầu, Văn phòng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ tại Hà Nội chia sẻ qua đại dịch COVID-19 đã cho thấy được tầm quan trọng, không thể thiếu của cán bộ dịch tễ học thực địa trong việc phát hiện, ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh trong tương lai.

 

BS. Lindsay Kim chia sẻ thêm khóa đào tạo FETP cơ bản đã được mở rộng ở 80 quốc gia bao gồm cả Việt Nam. Năm 2007, khóa đào tạo FETP của Việt Nam đã giúp nâng cao năng lực dịch tễ học thực địa cho một lực lượng y tế rất lớn. Đến thời điểm hiện nay, đã có 38 chuyên viên FETP cấp cao và hơn 200 chuyên viên FETP cơ bản được đào tạo, đóng góp vào sự phát triển của quốc gia.

 

Ảnh: BS. Lindsay Kim – Giám đốc Chương trình An ninh Y tế toàn cầu, Văn phòng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ tại Hà Nội phát biểu tại khóa đào tạo

 

TS.BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết đây là khóa đào tạo đầu tiên được tổ chức cho cán bộ y tế tuyến cơ sở về giám sát, đáp ứng dịch tại TP.HCM. Ngành Y tế hy vọng khóa đào tạo này sẽ tiếp tục được nhân rộng trong tương lai để nâng cao năng lực ứng phó dịch bệnh tại cộng đồng, cập nhật kiến thức về dịch tễ học, đặc biệt là dịch tễ học thực địa cho các cán bộ y tế tuyến đầu.

 

Ảnh: TS.BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM phát biểu tại khóa đào tạo

 

Điểm nổi bật nhất của khóa FETP cơ bản là mỗi học viên sẽ được ít nhất một hướng dẫn viên thực địa có kỹ năng và kinh nghiệm hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình triển khai bài tập thực địa qua đó bổ sung và nâng cao năng Iực của học viên sau khóa đào tạo này.

 

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố
Đánh giá bài viết
* Website cung cấp nội dung thông tin tham khảo, hiệu quả hỗ trợ điều trị phụ thuộc vào thể trạng từng người.
ll-ic1 fthot-dlic1 Đặt lịch