Ngộ độc thực phẩm nên uống gì cho mau khỏi?

24/06/2024

Nga_content

Bạn đang thưởng thức bữa ăn ngon nhưng cơn buồn nôn bất ngờ ập tới, tiêu chảy liên hồi và đau bụng quằn quại? Đây chính là dấu hiệu ngộ độc thực phẩm. Một bệnh lý cấp tính do tiêu thụ thực phẩm bị ô nhiễm. Ngoài những triệu chứng trên, tình trạng bệnh sẽ khó thuyên giảm, thậm chí gây ra những hệ lụy khó lường nếu không được điều trị kịp thời.

Vì thế trong bài viết này, Loukas sẽ chia sẻ một số thông tin hữu ích để bạn phòng ngừa hiệu quả ngộ độc thực phẩm. Đồng thời gợi ý những loại thức uống bù nước cho cơ thể, giúp bạn tăng sức đề kháng và cải thiện tình trạng của ngộ độc thực phẩm trước khi tiến triển quá nặng.

Ngộ độc thực phẩm: Nguyên nhân xuất phát từ đâu?

Ngộ độc thực phẩm là là kết quả của việc tiêu thụ thực phẩm bẩn, nước uống bị ô nhiễm bởi các loại vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hoặc có chứa độc tố. Hoặc dung nạp những thực phẩm bị biến chất, ôi thiu, có chất bảo quản, chất phụ gia độc hại.

Có 5 nguyên nhân chính dẫn đến ngộ độc thực phẩm:

  • Vi khuẩn: E. coli, Salmonella, Staphylococcus aureus,… là những loại vi khuẩn phổ biến gây ngộ độc qua thực phẩm chưa nấu chín, bảo quản không đúng cách hoặc nhiễm chéo trong quá trình chế biến.
  • Virus: Rotavirus, Norovirus là thủ phạm gây tiêu chảy cấp do virus, thường lây truyền qua thức ăn hoặc nước uống bị ô nhiễm.
  • Ký sinh trùng: Amip, giun sán,… xâm nhập vào cơ thể qua thực phẩm sống, chưa nấu chín hoặc chế biến không đảm bảo vệ sinh.
  • Hóa chất: Thuốc trừ sâu, chất bảo quản, phẩm màu độc hại,…
  • Chất độc tự nhiên: Một số loại thực phẩm như nấm độc, cá nóc, măng rừng,… chứa độc tố tự nhiên có thể gây ngộ độc nghiêm trọng, thậm chí tử vong.

Các triệu chứng dễ nhận biết

Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm thường xuất hiện sau vài giờ hoặc vài ngày bạn nạp phải thức ăn, nước uống bị ô nhiễm. Dẫn đến những biểu hiện khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt như:

  • Lúc nào cũng thấy buồn nôn, có thể nôn ra máu.
  • Tiêu chảy với tần suất nhiều lần trong ngày, phân lỏng dạng nước, có thể lẫn máu hoặc nhầy.
  • Đau bụng dữ dội, quặn thắt.
  • Đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi.
  • Sốt cao.
  • Mất nước: Da khô, khát nước do niêm mạc miệng khô, dẫn đến lượng nước tiểu ít và sẫm màu.

Những hệ lụy khó lường

Ngộ độc thực phẩm không chỉ gây khó chịu, gián đoạn sinh hoạt mà còn tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm như:

  • Mất nước nặng, rối loạn điện giải, huyết áp tụt dốc, trụy tim, co giật, thậm chí tử vong.
  • Viêm ruột, thủng ruột.
  • Suy gan, suy thận.
  • Hội chứng Guillain-Barré (GBS).

Ngộ độc thực phẩm nên uống gì cho mau khỏi?

Khi bị ngộ độc thực phẩm, việc bù nước và điện giải là vô cùng quan trọng để giúp cơ thể mau chóng phục hồi. Dưới đây là một số loại đồ uống bạn nên sử dụng:

1. Nước lọc:

Uống nước lọc là cách tốt nhất để bổ sung nước cũng như tăng cường trao đổi chất cho cơ thể. Nên uống từng ngụm nhỏ, liên tục nhiều ngày. Bạn cũng có thể thêm một ít chanh hoặc mật ong vào nước lọc để tăng hương vị và bổ sung vitamin C.

2. Nước oresol:

Nước oresol là dung dịch bù nước và điện giải được bào chế theo công thức khoa học. Loại thuốc này giúp cơ thể hấp thụ nước và điện giải một cách nhanh chóng và hiệu quả. Oresol đặc biệt thích hợp cho trẻ em, người già và người có nguy cơ mất nước cao.

3. Nước dừa:

Đây là nguồn cung cấp dồi dào các chất điện giải như kali, natri, magie, canxi,… Nước dừa cũng chứa nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu khác giúp phục hồi sức khỏe nhanh chóng.

4. Nước ép trái cây:

Đây được xem là thực phẩm bổ dưỡng, vitamin dồi dào, hỗ trợ hệ tiêu hóa hiệu quả.  Loại nước này còn cung cấp khoáng và chất xơ giúp cơ thể bù lượng nước đã mất. Lưu ý là nên chọn các loại trái cây tươi, chín mọng. Cũng như không nên uống hàng quán mà hãy tự ép nước tại nhà để đảm bảo vệ sinh.

5. Nước canh, súp:

Nên chọn các loại canh, súp nấu từ rau củ quả, thịt nạc hoặc cá để dễ tiêu hóa. Những món này cũng cung cấp nước, điện giải và các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.

Lưu ý:

– Tránh các loại đồ uống có ga, đồ uống có cồn và cà phê. Bởi những loại này có thể làm tăng tình trạng tiêu chảy và mất nước.
– Nên ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như cháo, súp, cơm trắng,… Lưu ý không dồn bữa mà chia nhỏ bữa ăn thành nhiều bữa trong ngày.
– Muốn cơ thể phục hồi nhanh, hãy dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi.
– Đến ngay các cơ sở y tế gần nhất nếu bệnh không thuyên giảm.
– Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào, kể cả thuốc không kê đơn.

Với những thông tin được chia sẻ bởi Phòng khám Đa khoa Loukas, hy vọng bạn đã có thêm kiến thức để chủ động phòng ngừa và kiểm soát tình trạng bệnh trước khi tiến triển. Nếu cần tư vấn và hỗ trợ, hãy đến thăm khám hoặc liên hệ ngay với Loukas để được giải đáp tận tình nhé!

Đánh giá bài viết
* Website cung cấp nội dung thông tin tham khảo, hiệu quả hỗ trợ điều trị phụ thuộc vào thể trạng từng người.
ll-ic1 fthot-dlic1 Đặt lịch