Nghị định số 24: Gỡ “nút thắt” mua sắm, đấu thầu thuốc

11/03/2024

Nga_content

Nghị định số 24/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu; được kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế xảy ra thời gian qua. Tuy nhiên theo các chuyên gia, để các bệnh viện (BV), cơ sở y tế có đầy đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị để phục vụ người bệnh, cùng với cơ chế thông thoáng rất cần thời gian để triển khai thực hiện.

Chủ động, linh hoạt trong mua sắm

Nội dung Nghị định 24 quy định chi tiết về trình tự, thủ tục lựa chọn nhà thầu trên cơ sở tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, giao quyền cho chủ đầu tư; cắt giảm thời gian và chi phí tổ chức lựa chọn nhà thầu; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin đấu thầu qua mạng để nâng cao tính công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế…

Đối với lĩnh vực y tế, trên cơ sở tiếp thu những bất cập trong đấu thầu mà các BV, cơ sở y tế đối mặt thời gian qua, Nghị định 24 có những quy định giải quyết căn cơ, tạo thuận lợi nhất có thể cho các cơ sở y tế công và tư trong đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế…

Trong đó quy định rõ các gói thầu được chỉ định thầu trong trường hợp cấp bách, cấp cứu người bệnh, phục vụ phòng chống dịch bệnh nhằm bảo đảm BV có thể mua được thuốc, vật tư y tế sớm nhất để phục vụ công tác chuyên môn, không phải thực hiện thủ tục đấu thầu mất nhiều thời gian.

Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy siêu âm cho bệnh nhân

Liên quan đến đấu thầu thuốc tập trung, Nghị định 24 đã bổ sung quy định cho phép lựa chọn nhiều hơn 1 nhà thầu trúng thầu để nếu nhà thầu thứ nhất không còn khả năng cung cấp, chủ đầu tư được ký ngay hợp đồng với nhà thầu xếp tiếp theo. Chủ đầu tư được mời thầu theo cách cho phép nhà thầu được chào số lượng theo khả năng cung cấp của mình, không nhất thiết phải chào theo đúng số lượng thuốc nêu trong hồ sơ mời thầu.

Trường hợp thuốc thuộc danh mục mua sắm tập trung nhưng chưa tổ chức đấu thầu hoặc đã đấu thầu nhưng chưa chọn được nhà thầu hoặc thỏa thuận khung đã ký trước đó hết hiệu lực, BV được mua sắm theo thông báo của đơn vị được giao nhiệm vụ mua sắm tập trung để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong thời gian tối đa 12 tháng và được BHYT thanh toán theo giá hợp đồng.

Theo đại diện một số BV, quy định trên sẽ tạo sự chủ động, linh hoạt cho các BV trong mua thuốc phục vụ khám chữa bệnh, cơ bản khắc phục tình trạng thiếu thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia và địa phương. Đặc biệt, một trong những vướng mắc, khó khăn nhất đối với các cơ sở y tế thời gian qua là báo giá trong gói thầu thì Nghị định 24 đã quy định, việc thu thập báo giá là một trong những căn cứ để xác định giá gói thầu.

Riêng lĩnh vực y tế, trường hợp có nhiều hơn 1 báo giá thì chủ đầu tư được lựa chọn báo giá cao nhất phù hợp với khả năng tài chính và yêu cầu chuyên môn làm giá gói thầu; với các lĩnh vực khác thì chỉ được lấy giá trị trung bình của các báo giá làm giá gói thầu. Quy định này góp phần giúp BV lựa chọn được hàng hóa chất lượng tốt, phù hợp với nhu cầu chuyên môn và khả năng tài chính.

Sẽ sớm có thông tư hướng dẫn

Ông Dương Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế), cho biết, hiện đơn vị đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống văn bản, quy phạm pháp luật sau khi Nghị định 24 ra đời, bộ cũng khẩn trương xây dựng một số thông tư liên quan đến danh mục thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế được áp dụng đàm phán giá; dự kiến các thông tư sẽ được ban hành trong quý 1-2024.

Phía các cơ sở y tế đánh giá cao việc Chính phủ sớm ban hành Nghị định 24 để tháo gỡ khó khăn cho công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. BS CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi đồng thành phố, nhận định, các điểm mới trong Nghị định 24 giúp BV nhanh chóng hoàn thành công tác đấu thầu, có được trang thiết bị thích hợp nhằm kịp thời cứu sống bệnh nhân nặng.

Tuy vậy, PGS-TS-BS Đào Xuân Cơ, Giám đốc BV Bạch Mai, cho biết, theo quy định, để hoàn thiện các quy trình đấu thầu đến khi có hàng phải mất 2-3 tháng nên không phải có Nghị định 24, thông tư hướng dẫn là có thuốc và vật tư ngay.

Đồng quan điểm, GS-TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc BV Phụ sản Trung ương, chia sẻ, Nghị định 24 đưa ra giải pháp để các cơ sở y tế bảo đảm có đủ nguồn thuốc, vật tư thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh, đây cũng là hành lang pháp lý để các BV thực hiện đúng quy định, bảo đảm nguồn hàng phục vụ người bệnh từ 1- 2 năm, không phải mua hàng ngắn hạn, bị động, nhỏ giọt như thời gian qua. Tuy nhiên, kể cả đã có hướng dẫn thì từ thời điểm làm thủ tục đấu thầu đến khi có thuốc, vật tư phải mất ít nhất 2 tháng nên trong khi chờ thầu, các BV cần mua sắm các gói nhỏ để bảo đảm công tác chuyên môn.

Còn ThS Tôn Văn Tài, Trưởng Đơn vị đấu thầu, BV Chợ Rẫy, nhìn nhận, Nghị định 24 được xem là hướng mở cho các BV trong việc mua sắm thuốc, vật tư y tế. Tuy nhiên, nghị định còn quá mới nên phải xem xét và nghiên cứu kỹ.

Theo ông Lê Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), hiện cả nước có trên 22.000 loại thuốc có giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực, với khoảng 800 hoạt chất nên cơ bản đảm bảo nguồn cung ứng thuốc trên thị trường. Tuy nhiên, để tạo thuận lợi hơn nữa cho BV, cơ sở y tế trong việc mua sắm đấu thầu thuốc, Bộ Y tế tổ chức lấy kiến nhân dân về dự thảo Thông tư quy định việc đấu thầu thuốc tại cơ sở y tế công lập.

Đồng thời tham gia sửa đổi, bổ sung Thông tư 15/2020 về “Danh mục thuốc đấu thầu, danh mục thuốc đấu thầu tập trung, danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá” và Thông tư 03/2019 về “Danh mục thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp” để phù hợp với các quy định mới của Luật Đấu thầu 2023.

MINH KHANG – MINH NAM
Nguồn tin : Báo SÀI GÒN GIẢI PHÓNG ONLINE
Đánh giá bài viết
* Website cung cấp nội dung thông tin tham khảo, hiệu quả hỗ trợ điều trị phụ thuộc vào thể trạng từng người.
ll-ic1 fthot-dlic1 Đặt lịch