Bệnh sởi là một căn bệnh truyền nhiễm, có khả năng lây lan mạnh. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể xuất hiện biến chứng thậm chí là tử vong. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết về dấu hiệu của bệnh sởi và cách phòng tránh.
Bệnh sởi là bệnh gì?
Bệnh sởi là một căn bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng lây lan mạnh với triệu chứng phổ biến là những vết phát ban trên da kèm theo sốt, đỏ mắt, chảy nước mũi,…Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi hoặc người lớn chưa được tiêm phòng hoặc có tiêm phòng nhưng chưa đầy đủ., hay gặp trong màu đông xuân. Tuy ít có nguy cơ gây tử vong nhưng sởi là bệnh lý có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ, viêm não sau khi mắc sởi, khô giác mạc, loét giác mạc,…
Tác nhân gây bệnh sởi là một loại virus RNA sợi đơn thuộc chi Morbillivirus và họ Paramyxoviridae. Virus sởi có khả năng chịu đựng kém, các thuốc khử trùng thông thường có thể diệt được virus một cách dễ dàng. Con đường lây bệnh gồm:
– Lây truyền qua đường hô hấp, do tiếp xúc khi bệnh nhân hắt hơi, ho,…
– Do virus sởi dễ bị diệt trong môi trường ngoại cảnh do đó lây lan gián tiếp thường ít gặp.
Dấu hiệu và triệu chứng khi bị bệnh sởi ở người lớn và trẻ em
Việc nhận biết, phát hiện sớm các dấu hiệu và triệu chứng khi bị sởi góp phần lớn vào hiệu quả điều trị bệnh, giảm thiểu nguy cơ xuất hiện biến chứng cho người bệnh.
Thể điển hình
– Giai đoạn ủ bệnh thường kéo dài từ 7 đến 21 ngày, trung bình là 10 ngày.
– Giai đoạn khởi phát (còn được gọi là giai đoạn viêm long) diễn ra trong vòng từ 2 đến 4 ngày. Lúc này, người bệnh có các triệu chứng điển hình như sốt cao, viêm kết mạc, viêm đường hô hấp trên, một số trường hợp có thể xuất hiện viêm thanh quản cấp, trên bề mặt niêm mạc má thấy xuất hiện các quầng ban đỏ.
– Giai đoạn toàn phát thường kéo dài từ 2 đến 5 ngày. Thông thường, sau khi sốt khoảng 3 đến 4 ngày thì người bệnh bắt đầu có các dấu hiệu phát ban xuất hiện ở các khu vực trên mặt, trên trán, sau gáy, sau tai và lan dần xuống cổ, xuống chân, các nốt phát ban này có đặc điểm là khi căng da thì sẽ biến mất, người bệnh đỡ sốt khi bước vào giai đoạn này.
– Giai đoạn hồi phục: Các nốt phát ban bắt đầu nhạt dần, bong vảy. Trường hợp bệnh nhân không xuất hiện biến chứng nào thì bệnh sẽ tự khỏi. Một số bệnh nhân có thể bị ho khoảng 1-2 tuần sau khi hết phát ban.
Thể không điển hình
Dưới đây là các dấu hiệu của thể không điển hình mà bạn đọc cần nắm được để phát hiện bệnh sớm, có phương pháp điều trị kịp thời, tránh những biến chứng không mong muốn có thể xảy ra.
Các dấu hiệu và triệu chứng có thể gặp bao gồm:
– Sốt nhẹ thoáng qua.
– Toàn trạng được đánh giá tốt.
– Người bệnh phát ban ít, viêm long nhẹ.
Các dấu hiệu và triệu chứng thường nhẹ, không điển hình do đó người bệnh thường bỏ qua, dẫn đến tình trạng lây lan bệnh mà không hay biết.
Một số trường hợp có thể gặp tình trạng sốt cao liên tục, có dấu hiệu phát ban nhưng không điển hình kết hợp với tình trạng đau nhức mỏi người, tứ chi có dấu hiệu phù nề kèm theo tình trạng viêm phổi nặng.
Dấu hiệu bệnh sởi ở trẻ dưới 1 tuổi
Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi là những đối tượng nhạy cảm, do đó, cha mẹ cần cho trẻ đi khám kịp thời khi có dấu hiệu gồm thở nhanh, mất nước, khóc nhiều, bỏ ăn, bỏ bú, tiêu chảy, đau mắt, mắt có gỉ, sốt kéo dài, loét miệng,…
Virus sởi có thể gây ra bệnh sởi tiến triển nặng hoặc các biến chứng gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bệnh nhân. Ở trẻ nhỏ bị suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch hoặc trẻ bị thiếu vitamin A là những đối tượng dễ xảy ra nguy cơ này. Hầu hết trẻ nhỏ bị tử vong là do biến chứng của sởi.
Viêm phổi kẽ thâm nhiễm tế bào khổng lồ, viêm não cấp tính, viêm cơ tim là những biến chứng gây ra bởi virus sởi.
Viêm phổi, viêm dạ dày ruột, viêm tai giữa là những biến chứng có thể xảy ra do bội nhiễm.
Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị, cách chữa bệnh sởi hiện nay đều tập trung vào triệu chứng của người bệnh, xây dựng chế độ dinh dưỡng và kết hợp với đảm bảo vệ sinh, tránh lây nhiễm.
Trường hợp trẻ sốt cao, liên tục, cha mẹ cần sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ theo đúng chỉ định, liều lượng khuyến cáo của bác sĩ, dược sĩ.
Vệ sinh, giữ sạch sẽ khu vực người bệnh cách ly để tránh tình trạng lây nhiễm.
Hạn chế cho người bệnh tiếp xúc với người khác.
Xây dựng thực đơn hợp lý, giàu dinh dưỡng, chia nhỏ thành nhiều bữa trong ngày.
Bệnh sởi thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi do đó cha mẹ cần theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu của con. Nếu như các triệu chứng không giảm nhẹ mà có dấu hiệu nặng hơn thì cha mẹ cần đưa con đến các cơ sở y tế gần nhất để được can thiệp kịp thời.
Hiện nay, phương pháp phòng bệnh an toàn và có độ hiệu quả cao là tiêm vắc xin. Tiến hành tiêm chủng 2 mũi vắc xin cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng theo quy định của Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia. Mũi đầu tiên bắt buộc tiêm khi trẻ được 9 tháng tuổi. Các đối tượng khác tiến hành tiêm vắc xin sởi theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn. Ngoài ra, cần tuân thủ nguyên tắc:
– Tiến hành cách ly người bệnh tại nhà hoặc tại các cơ sở theo nguyên tắc.
– Cho bệnh nhân, người chăm sóc, nhân viên y tế và người tiếp xúc gần với bệnh nhân sử dụng khẩu trang phẫu thuật.
– Hạn chế tiếp xúc với người bệnh khi không cần thiết.
– Thời gian cách ly bắt đầu từ lúc nghi ngờ mắc sởi cho đến ít nhất 4 ngày sau khi bệnh nhân bắt đầu bị phát ban.
– Rửa tay thường xuyên nhằm hạn chế sự lây lan của virus.
– Virus sởi lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp khi tiếp xúc gần với người bệnh do đó cần vệ sinh, sát trùng mũi họng thường xuyên để tránh lây nhiễm.
– Bệnh thường xảy ra vào mùa đông xuân nên cần giữ ấm cơ thể.
– Xây dựng chế độ ăn uống và tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức đề kháng, nâng cao thể trạng.
Nguồn: Sức khỏe đời sống